Đau lòng chuyện tôm “đi” lại “về”
Trong mấy năm trở lại đây, hầu như năm nào cũng có sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam cũng bị trả về, thậm chí bị đưa vào diện kiểm soát nghiêm ngặt, đặc biệt ở thị trường Nhật Bản. Vẫn một “kịch bản” cũ - dư lượng kháng sinh, hóa chất vượt giới hạn cho phép. Nặng nhất là với các chất Trifluralin, Ethoxyquin, hay mới đây nhất là Oxytetracycline (OTC).
Theo nhiều chuyên gia, việc dư lượng kháng sinh trong tôm xuất khẩu Việt Nam từ lâu đã được các doanh nghiệp cảnh báo, nhưng người nuôi vẫn lạm dụng.
Dư lượng kháng sinh trong tôm Việt Nam vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ - Ảnh: An Đăng
Còn người nuôi tôm cho rằng, tôm bệnh phải trị, mà trị thì phải dùng thuốc. Việc kiểm soát các chất trong thức ăn, thuốc thú y thủy sản thuộc về trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, còn việc của nông dân là trị khỏi bệnh cho tôm chứ không quan tâm đến các chất bị khuyến cáo. Và một lý do người nuôi tôm nói khiến nhiều người phải suy nghĩ lại là, họ chưa bao giờ thấy chính quyền địa phương nói gì về dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép. Ngay cả các cán bộ kỹ thuật khi tập huấn cho người nuôi cũng chỉ hướng dẫn phương pháp phòng bệnh cho tôm, chứ ít khi định hướng người dân sử dụng loại thức ăn nào, thuốc gì để đảm bảo chất lượng.
Mấy năm trước, khi dịch bệnh trên tôm bùng phát ở các tỉnh ĐBSCL, nhiều người nuôi phải tăng sử dụng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh. Kết quả, đến kỳ thu hoạch tôm thương phẩm bị các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu từ chối thu mua khiến bà con lao đao.
Lý giải về điều này, đại diện một doanh nghiệp cho rằng: Các nhà máy chế biến xuất khẩu từ chối thu mua tôm thương phẩm có dư lượng kháng sinh là lẽ đương nhiên. Bởi không thể thu mua sản phẩm mà biết chắc là không xuất khẩu được. Sản xuất phục vụ thị trường thì muốn bán được sản phẩm, nông dân phải quan tâm đến yêu cầu của thị trường.
Hơn nữa với các doanh nghiệp, nếu thu mua tôm bị nhiễm kháng sinh để cứu nông dân thì doanh nghiệp phải giảm giá khoảng 10 - 30%. Điều này khiến nông dân thiệt, nhưng doanh nghiệp cũng chẳng vui bởi tôm này “mua đấy, bán đâu”.
Còn với nhà quản lý, thì vẫn “sẽ đẩy mạnh công tác hướng dẫn bà con nông dân quy trình sử dụng các chất kháng sinh đúng cách, không làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm khi thu hoạch. Đồng thời, nghiên cứu các chất kháng sinh thay thế, vừa phòng bệnh cho thủy sản, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng quy định của các thị trường nhập khẩu”.
Mỗi bên một lý do, một ý kiến để bảo vệ cho hành động của mình, nhưng kết quả là “hỏng dây chuyền”. Do vậy, việc làm cần thiết nhất hiện nay có lẽ là sự vào cuộc mạnh tay hơn nữa của ngành chức năng, sự chia sẻ của doanh nghiệp và sự thức tỉnh của người nuôi tôm, để vừa đảm bảo sản xuất an toàn và có lợi của người nông dân, vừa thuận lợi cho xuất khẩu. Thực hiện điều này có lẽ đơn giản hơn!
>> Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), 5 tháng đầu năm, 11 lô tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU và Nhật Bản bị trả về vì dư lượng OTC vượt mức cho phép. Đây là tín hiệu buồn của tôm Việt Nam ngay những tháng đầu năm. |
- Zearalenone I – yếu tố quan trọng gây nên sự sụt giảm khả năng sinh sản của heo
- Yếu tố dinh dưỡng trong chăn nuôi heo
- Bệnh thường gặp trong chăn nuôi gà
- EZ NUTRITION WAY không ngừng phát triển và tự đổi mới là một trong những giá trị cốt lõi
- Xuất khẩu tôm năm 2013 có thể đạt 2,8 tỷ USD
- Thị trường chăn nuôi miền Đông Nam bộ: Heo tăng giá, nông dân vẫn “treo chuồng”
- Trứng gà giảm giá sâu, người nuôi lo ứ hàng
- Công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại 2 xã thuộc Tân Phú Đông (Tiền Giang)
- Nông dân làm chuỗi liên kết chăn nuôi
- "Không biết Tết tới, giá heo sẽ ra sao?"