Xuất khẩu tôm năm 2013 có thể đạt 2,8 tỷ USD

12/11/2013 1:16:48 CH
Sau quý 3, “điểm sáng” nhất trong bức tranh xuất khẩu thủy sản nước ta là sự bứt phá của mặt hàng tôm với kim ngạch đạt 2 tỷ USD, chiếm gần ½ tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm có thể đạt 2,8 tỷ USD.

 Xuất khẩu tôm cả năm có thể đạt 2,8 tỷ USD

Xuất khẩu tôm cả năm có thể đạt 2,8 tỷ USD

Bà Tô Thị Tường Lan – Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, tính đến hết quý 3, ngành thủy sản đã xuất khẩu 4,8 tỷ USD, tăng 6,4% so cùng kỳ, trong đó 2 mặt hàng mang lại kim ngạch lớn nhất là mặt hàng tôm với 2 tỷ USD và mặt hàng cá tra với 1,3 tỷ USD. Với đà xuất khẩu như hiện nay, dự kiến, năm 2013, xuất khẩu thủy sản có thể đạt 6,5 tỷ USD.

Như vậy, trong khi nhiều mặt hàng xuất khẩu suy giảm thì xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục duy trì đà tăng từ đầu năm đến nay. Theo lý giải của Vasep, nguyên nhân chính là do năm 2013, sản lượng tôm toàn cầu đã giảm 15% so với mức cách đây 2 năm do hội chứng tôm chết sớm ở châu Á (EMS) và Mexico. 2 ngành công nghiệp sản xuất, chế biến tôm lớn nhất thế giới là Thái Lan và Trung Quốc lại nằm tại trung tâm bùng nổ dịch bệnh. Điều này đã tạo cơ hội cho một số nguồn cung cấp lớn như Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam. Đồng thời, nhờ giá xuất khẩu tăng cao hơn từ 2-4 USD/kg tùy từng thị trường nên giá trị xuất khẩu của tôm của Việt Nam trong hầu hết các tháng từ đầu năm đến nay đều tăng trưởng đến hai con số, từ 19 - 66% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, xuất khẩu tôm vẫn duy trì gia tăng đều đặn ở nhiều thị trường lớn như Mỹ tăng 62,6%; Nhật Bản tăng 12,8%, EU tăng 14,8%, Trung Quốc tăng 42,8%, Hàn Quốc tăng 7,2%... Đặc biệt, Mỹ đã chính thức vượt Nhật Bản để trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất nước ta. Cụ thể, sau 9 tháng, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã đạt trên 542,7 triệu USD, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 9/2013, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt mức cao kỷ lục, tăng 138,7% so với cùng tháng năm ngoái.

Bà Tô Thị Tường Lan cho biết, nguyên nhân của sự gia tăng đáng kể lượng tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đặc biệt trong tháng 9 là do đây là tháng mà ngành tôm Việt Nam cùng lúc đón nhận 2 quyết định quan trọng và có ý nghĩa. Đó chính là kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 7 đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn từ ngày 1/2/2011 đến 31/1/2012. Theo đó, toàn bộ 33 DN xuất khẩu tôm Việt Nam tham gia xem xét lần này đều được công nhận không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ và nhận mức thuế CBPG 0%. Bên cạnh đó, cuối tháng 9, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đã phủ quyết quyết định áp thuế chống trợ cấp 4,52% của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với tôm Việt Nam trong vụ kiện chống trợ cấp do ngành tôm nội địa Mỹ khởi xướng vào cuối tháng 12/2012. Hai quyết định này không chỉ giảm bớt gánh nặng về mặt chi phí cho các DN xuất khẩu tôm Việt Nam mà quan trọng hơn là Mỹ đã thừa nhận ngành xuất khẩu tôm Việt Nam - một nền kinh tế mà Mỹ cho là phi thị trường, đã và đang hoạt động theo cơ chế thị trường và không nhận bất cứ sự trợ cấp nào từ phía chính phủ.

Ngoài ra, sau quý 3, Việt Nam cũng đã vượt Trung Quốc để dẫn đầu danh sách các nước cung cấp tôm cho Hàn Quốc với khoảng 6.700 tấn. Trong quý 3, xuất khẩu tôm của nước ta sang Hàn Quốc tăng trưởng 77% so với cùng kỳ năm 2012. Hàn Quốc là 1 trong 5 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 8% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước và là một trong số ít các thị trường chính luôn duy trì mức tăng trưởng dương trong nhiều năm qua.

Các chuyên gia ngành thủy sản nhận định, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm sẽ vẫn duy trì được tốc độ gia tăng do nhu cầu của các thị trường vẫn lớn. Con tôm Việt Nam lại được đánh giá cao do chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Dự kiến, hết năm 2013, xuất khẩu tôm có thể đạt 2,8 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2012.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, bà Tô Thị Tường Lan cho biết, cần phải giải quyết vấn đề khó khăn nhất đối với ngành tôm hiện nay là tôm nguyên liệu vẫn tiếp tục chảy qua Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Điều này không chỉ khiến DN chế biến thủy sản xuất khẩu trong nước gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các sản phẩm của Việt Nam nếu như DN Trung Quốc xuất đi các sản phẩm không đảm bảo chất lượng với ghi chú “tôm có nguồn gốc từ Việt Nam”.

Riêng về vấn đề này, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để bảo đảm kiểm soát được chất lượng tôm nguyên liệu xuất khẩu, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo các Sở Công Thương cương quyết chống lại tình trạng hoạt động trái phép của những người mang hộ chiếu nước ngoài dưới đường du lịch để mua tôm nguyên liệu. Bộ Công Thương đã và đang phối hợp quản lý chặt chẽ đối với hoạt động xuất khẩu tôm nguyên liệu qua biên giới để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
 
Tác giả bài viết: Lan Phương 
Nguồn tin: Thời báo Kinh tế Việt Nam