"Không biết Tết tới, giá heo sẽ ra sao?"

15/11/2013 2:05:32 SA
Giá heo hơi tăng liên tục từ đầu tháng 9 tới nay và đang dao động ở mức 4,7 – 5 triệu đồng/tạ, đây là mức giá cao nhất tính từ đầu năm. Song người chăn nuôi vẫn không bớt lo âu.

 Người chăn nuôi vẫn chưa bớt lo âu.

Người chăn nuôi vẫn chưa bớt lo âu.

Giá heo từng xuống thấp dưới 37.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi liên tục lỗ, bỏ chuồng, nợ nần ngân hàng, ngành chăn nuôi heo lâm vào tình trạng khủng hoảng trong suốt 2 năm qua. Hiện giá heo đã tăng hơn 47.000/kg, dù mới chỉ 2 tháng nhưng phần nào mang lại niềm hi vọng, phấn khởi cho bà con nông dân.
 
Tuy nhiên, những khó khăn 2 năm qua cũng khiến người chăn nuôi lo lắng không biết giá tăng lần này có phải là giá ảo hay không? Theo đại diện Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, việc tăng giá heo lần này là do giá heo tại các nước như Thái lan, Trung Quốc đều đồng loạt tăng cao.
 
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết: “Mức giá này có thể ổn định trong một thời gian dài. Điều này không phải do các thương lái Trung Quốc vào mua thất thường khiến giá lên mà do mức giá của toàn khu vực trong đó có Việt Nam. Đây là hiện tượng giá có thể kéo dài trong thời gian tương đối tốt”.
 
Ngoài ra, đa số người dân chăn nuôi heo hiện nay đều phụ thuộc phần lớn vào lượng thu mua của các thương lái. Hiện giá cao, thương lái mua dễ dàng nhưng nếu có một chút biến động giảm nào là bị thương lái ép giá, lúc đó, câu chuyện giá giảm, người chăn nuôi bị lỗ lại có thể tiếp tục diễn ra. Vì vậy, mặc dù heo tăng tăng giá, nhưng các hộ chăn nuôi vẫn bất an vì chưa có một cơ chế tiêu thụ để đảm bảo đầu ra ổn định trên thị trường.
 
Thêm vào đó, thực tế mà hầu hết những người theo đuổi nghiệp chăn nuôi đều ghi nhận được trong ba năm trở lại đây là trong khi giá heo hơi tăng gấp đôi thì giá thức ăn chăn nuôi tăng theo … gấp bốn lần. Ông Huỳnh Công Quân, chủ tịch hội nông dân xã Tân Phú Trung (Châu Thành, Đồng Tháp), nói rằng: “Đó là bất hợp lý quá lớn mà phần thiệt đổ dồn về nông dân, điều này khiến nghề nuôi không thể phát triển được”.
 
Ông Quân nêu nghịch lý: đã có các biện pháp bình ổn giá heo hơi để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tại sao lại không có những biện pháp can thiệp giá thức ăn để bảo vệ lợi ích người chăn nuôi? Trong thực tế, người chăn nuôi phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm và chấp nhận hơn thiệt theo quy luật thị trường và những yêu cầu ràng buộc của đối tác.
 
Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Phú Bình, xã Phú Long (Châu Thành, Đồng Tháp) được cho là đơn vị chăn nuôi may mắn ở tỉnh Đồng Tháp khi đơn vị này đã ký được hợp đồng cung ứng heo hơi với một công ty chế biến thực phẩm ở TP.HCM. Theo đó,  khi ký kết hợp đồng với nhà cung cấp thức ăn sẽ được giảm giá khoảng 20.000 đồng/bao.
 
Tuy nhiên, theo tính toán của ông Chế Văn Mười, phó giám đốc HTX Phú Bình, với giá heo hơi ở mức hiện tại, xã viên cũng như người nuôi heo khác ngoài HTX sẽ có lời, nhưng sức tiêu thụ heo Tết năm nay vẫn là một ẩn số rất lớn mà rất có thể phần thiệt chắc sẽ tiếp tục rơi về người chăn nuôi. “Khi các nhà kinh doanh thực phẩm đã dự trữ đủ sản lượng phục vụ Tết, đương nhiên giá heo hơi trên thị trường sẽ giảm trở lại. Ngược lại nếu nguồn cung thiếu, giá heo hơi tăng, rất có thể nhiều chính sách bình ổn giá tức thì được triển khai cũng sẽ cắt mất phần lợi của người chăn nuôi,” ông Mười phân tích. Chính vì thế, mà người chăn nuôi vẫn luôn bất an, lo lắng bởi khi đầu ra không được đảm bảo và ổn định, các hộ chăn nuôi chẳng khác nào đang “đánh bạc” với nguồn vốn và công sức của mình, họ không chủ động được cả đầu vào khi bị thức ăn chăn nuôi ép giá… và đầu ra khi bị thương lái bắt chẹt.
 
Tác giả bài viết: T.H 
Nguồn tin: Sống Mới Online