Thịt nhập đang bán phá giá ?
Vissan nhập khẩu trực tiếp bò Úc về giết mổ - Ảnh: Diệp Đức Minh
Việc họ bán giá thịt thấp vào VN là hết sức vô lý và có dấu hiệu bán phá giá. Về nguyên tắc, phải tốn 2 kg cám mới cho ra 1 kg thịt gà, chưa kể các chi phí khác như tiền lương, điện nước, thuốc men, chi phí vận chuyển... Vậy tại sao giá thịt nhập khẩu chưa đến 1 USD/kg? Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ |
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, thời gian gần đây mỗi tuần đơn vị này đã kiểm tra khoảng 2.000 tấn sản phẩm thịt và phụ phẩm đông lạnh các loại để đưa ra thị trường. Sản lượng nhập khẩu nhiều nhất là thịt gia cầm với khoảng 1.000 tấn mỗi tuần; thịt trâu bò, dao động từ 300 - 400 tấn/tuần; phụ phẩm gia cầm vài chục tới vài trăm tấn mỗi tuần. Nếu xét theo tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2012 thì phụ phẩm gia cầm nhập khẩu tăng 10,813%, phụ phẩm trâu bò tăng 431%, phụ phẩm heo tăng 72%...
Theo các chuyên gia, ngành chăn nuôi lâu nay chỉ lấy công làm lời, lợi nhuận chủ yếu dựa trên các phụ phẩm như đầu, lòng gia súc, gia cầm. Từ khi thịt nhập khẩu tràn về, phần lợi nhuận này biến mất, thay vào đó phải cạnh tranh về giá với thịt nhập khẩu, dẫn đến giá bán dưới giá thành.
Ông Lê Văn Quyết, chủ một trang trại gà ở Long Thành (Đồng Nai), phân tích: “Hiện nay gà thải loại từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan đều được xem là phế phẩm, người dân nước họ không ăn. Còn tại Mỹ, Brazil thì ngoài phần ức gà được ưa thích thì các bộ phận còn lại như đùi, cánh… cũng được xem là phế phẩm. Chính vì vậy họ bán về VN với bất cứ giá nào. Ngoài thịt gà nhập khẩu chính ngạch, gà lậu từ Trung Quốc đưa sang, còn có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp tạm nhập nhưng không tái xuất để trốn thuế. Đó là lý do khiến thị trường trong nước hiện nay tràn ngập gà nhập khẩu giá rẻ”.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ, bức xúc: “Điều bất thường là nếu xét về chi phí sản xuất thì chỉ có giá thức ăn chăn nuôi của VN cao hơn giá thế giới khoảng 10%, còn lại các chi phí quản lý, nhân công, điện nước tại VN đều rẻ hơn nước ngoài. Thịt nhập khẩu phải chịu thêm chi phí vận chuyển. Như vậy việc họ bán giá thịt thấp vào VN là hết sức vô lý và có dấu hiệu bán phá giá. Về nguyên tắc, phải tốn 2 kg cám mới cho ra 1 kg thịt gà, chưa kể các chi phí khác như tiền lương, điện nước, thuốc men, chi phí vận chuyển… Vậy tại sao giá thịt nhập khẩu chưa đến 1 USD/kg?”.
Thịt gà ngoại tràn vào đã khiến giá gà trong nước giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết người chăn nuôi hiện phải chịu lỗ từ 10.000 - 12.000 đồng/kg gà thịt do từ giữa tháng 10 giá gà từ mức 38.000 đồng/kg đã giảm chỉ còn 26.000 đồng/kg vào cuối tuần trước và sang đầu tuần này chỉ còn 25.000 đồng/kg.
Nhường sân cho bò ngoại
Từ đầu năm đến nay đã có gần 32.500 con bò Úc nhập về VN để giết mổ. Riêng nhập tiểu ngạch, bình quân mỗi ngày cả nước tiêu thụ xấp xỉ 4.000 con bò ngoại nhập từ Lào, Campuchia, Thái Lan… Tuy quy trình nhập khẩu phức tạp và phải đảm bảo các tiêu chuẩn lưu chuồng, giết mổ nhưng giá bò Úc nhập trực tiếp về giết mổ vẫn cạnh tranh do trọng lượng giống bò vàng trong nước chỉ 250 kg/con, trong khi bò Úc lên đến 600 kg/con; tỷ lệ thịt của bò vàng sau khi giết mổ chỉ đạt 50% còn bò Úc đạt lên đến 55-60%. Vì vậy, các nhà nhập khẩu cũng đang thay đổi từ chỗ nhập thịt bò đông lạnh, bò tươi từ Úc chuyển qua nhập bò sống để có mức lợi nhuận cao hơn.
Phụ thuộc vào nhập khẩu Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), chiến lược phát triển ngành chăn nuôi của VN trong những qua và cả những năm tới là tập trung vào thế mạnh hiện có. Vì thế, đối với vấn đề thịt bò, ngành chăn nuôi trong nước chỉ có gắng cung cấp cho thị trường một mức độ nào đó, còn lại phải phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người dân. |
Tại các siêu thị trong nước, thịt bò Úc đang lấn át thịt bò nội vì giá rẻ và chất lượng cao hơn hẳn. Tại các hệ thống siêu thị Maximark, Vinatex, Satramark, siêu thị Sài Gòn, Lotte, Coop… thịt bò Úc cũng đang xuất hiện khá nhiều. Đại diện Saigon Co.op cho biết: “Thịt bò Úc Co.opmart đang kinh doanh chủ yếu do Vissan cung cấp, nhập nguyên con, giết mổ tại VN, một phần nhập hàng của Công ty Trung Đồng (Đồng Nai). Riêng Vissan có quầy tự doanh, kinh doanh trực tiếp trong khu tự chọn của siêu thị. Hiện tại Co.opmart nỗ lực duy trì tỷ lệ thịt bò Úc nhập khẩu và thịt trong nước tương đối cân đối 50 - 50”. Tổng giám đốc Công ty Vissan Văn Đức Mười nhận định: “So với thịt bò nội địa, bò nhập qua ngã Campuchia, Lào, thịt bò Úc được người tiêu dùng tin tưởng nhờ chất lượng, an toàn trong khi đó giá không cao hơn. Nguồn cung của bò Úc cũng ổn định, không bị đơn vị cung cấp ép tăng giá như bò nhập truyền thống trước đây”.
Đặc biệt, từ năm 2010, thuế nhập khẩu bò sống nguyên con từ Úc vào các quốc gia thành viên ASEAN chỉ 5% đã khiến thịt bò ngoại tấn công ngày càng mạnh vào thị trường nội địa và được tin dùng bởi "giá nội, chất lượng ngoại". Xu hướng nhập khẩu cũng đã dần bóp chết sản xuất trong nước. Đàn bò thịt trong nước từ đỉnh điểm 6,7 triệu con năm 2007 đã giảm xuống còn 5,2 triệu con năm 2012 và đến nay tiếp tục giảm còn 5,1 triệu con.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN Nguyễn Đăng Vang cho rằng nhập khẩu thịt bò từ nước ngoài là hệ quả tất yếu do nguồn cung trong nước thấp hơn nhiều so với nhu cầu và VN chưa có chính sách tốt thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò thịt. Tỷ lệ trung bình tiêu thụ thịt bò của thế giới hiện nay là 23% trong khi ở VN tổng lượng trâu, bò mới chỉ chiếm gần 7% tổng lượng thịt. Theo ông Vang, bò nhập khẩu từ Úc có giá rất cạnh tranh do họ chăn nuôi quy mô lớn trong khi chăn nuôi bò tại VN quy mô nhỏ, giống bò chất lượng kém. Theo tính toán của Hiệp hội Chăn nuôi, giá bò Úc về VN kể cả thuế ở mức 58.000 đồng/kg (bò hơi) trong khi giá thành bò trong nước ở mức 60.000 đồng/kg. Do đó, bò nuôi trong nước khó cạnh tranh với bò nhập khẩu.
Nếu không có một giải pháp toàn diện và kịp thời, thịt ngoại sẽ chiếm lĩnh thị trường nội địa và đè chết ngành chăn nuôi đang kiệt quệ của VN.
Nguồn tin: Thanh Niên Online
- Zearalenone I – yếu tố quan trọng gây nên sự sụt giảm khả năng sinh sản của heo
- Yếu tố dinh dưỡng trong chăn nuôi heo
- Bệnh thường gặp trong chăn nuôi gà
- EZ NUTRITION WAY không ngừng phát triển và tự đổi mới là một trong những giá trị cốt lõi
- Xuất khẩu tôm năm 2013 có thể đạt 2,8 tỷ USD
- Thị trường chăn nuôi miền Đông Nam bộ: Heo tăng giá, nông dân vẫn “treo chuồng”
- Trứng gà giảm giá sâu, người nuôi lo ứ hàng
- Công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại 2 xã thuộc Tân Phú Đông (Tiền Giang)
- Nông dân làm chuỗi liên kết chăn nuôi
- "Không biết Tết tới, giá heo sẽ ra sao?"