Sản phẩm & Dịch vụ
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline : 0251 2247 888
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến :
Người truy cập :
Quản lý chất lượng thức ăn thủy sản: Đòi hỏi cấp thiết
19/11/2013 11:55:35 SA
Chiếm từ 65 - 80% giá thành sản xuất nuôi trồng thủy sản nhưng ngành công nghiệp chế biến thức ăn thủy sản của nước ta hiện đang phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp nước ngoài. Đi tìm lời giải cho bài toán chất lượng thức ăn thủy sản đang là một đòi hỏi cấp thiết.
20% thức ăn thủy sản không đạt chất lượng
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, số lượng nhà máy và sản lượng thức ăn thủy sản sản xuất trong nước tăng đáng kể trong những năm gần đây. Hiện cả nước có khoảng 130 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, sản xuất trên 4.500 tấn sản phẩm và 110 cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung với 311 sản phẩm được lưu hành, tổng sản lượng khoảng 3,7 triệu tấn/năm.
Sự nở rộ của các nhà máy sản xuất nhưng chưa có được cơ chế quản lý chặt chẽ, thiếu hệ thống phân tích chất lượng hiện đại, khả năng phân tích chưa đồng đều, kịp thời so với yêu cầu quản lý,… dẫn đến tình trạng các loại thức ăn thủy sản kém chất lượng vẫn được lưu thông trên thị trường, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, thức ăn thủy sản có vấn đề về chất lượng sẽ khiến cá, tôm chậm lớn, tỷ lệ hao tổn thức ăn cao. Nếu như nông dân Thái Lan chỉ cần 1,1kg thức ăn để tạo ra 1kg tôm thì cũng loại sản phẩm đó ở Việt Nam, phải cần tới 1,3kg. Đây là lý do khiến lợi nhuận của bà con giảm đáng kể.
Còn nhớ năm 2008, Chi cục Thủy sản Đồng Tháp kiểm tra 131 mẫu thức ăn thủy sản và phát hiện 56 mẫu không đạt chất lượng về chỉ tiêu protein so với công bố, chiếm tỷ lệ 42,7%. Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản kiểm tra 39 mẫu thức ăn thủy sản cũng phát hiện 6 mẫu không đạt chất lượng (chiếm 15%).
Tính trung bình từ năm 2008 đến nay, tỷ lệ thức ăn thủy sản vi phạm về chất lượng khá cao, chiếm đến hơn 20%/năm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đạt chất lượng về chỉ tiêu protein, lipit hoặc các chỉ tiêu khác như xơ, tro theo tiêu chuẩn công bố.
Trên thị trường hiện có khoảng 5.000 sản phẩm thức ăn hỗn hợp, 3.000 sản phẩm thức ăn bổ sung và khoảng 3.000 chế phẩm xử lý môi trường đang lưu hành tuy nhiên, các cơ quan chức năng chỉ kiểm tra được khoảng 100 sản phẩm. Điều này chẳng khác gì “đá ném ao bèo” và cũng giải thích vì sao, nạn nhân của những sản phẩm thức ăn kém chất lượng liên tục tăng.
Thiếu hành lang pháp lý
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến còn nhiều sai phạm trong việc công bố chất lượng thức ăn thủy sản là do mức phạt chưa đủ sức răn đe.
Đối với lĩnh vực kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản, ông Võ Thanh Hải, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu cho biết: “Theo quy định hiện hành, mức phạt vi phạm về chất lượng thấp nên doanh nghiệp sẵn sàng đóng phạt và cũng sẵn sàng tiếp tục vi phạm bởi lợi nhuận từ việc buôn bán hàng giả… quá cao”.
Trong các Nghị định, Thông tư liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi đã được ban hành, đến nay, chưa có một văn bản luật dành riêng cho chất lượng thức ăn thủy sản.
Ngoài việc còn thiếu văn bản và triển khai văn bản còn chậm, chưa đồng bộ ở nhiều địa phương thì còn vấn đề nan giải nữa là điều kiện trang thiết bị, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở cũng khó có thể phát hiện ngay và kịp thời những sai phạm khi trong tay chẳng có các thiết bị hiện đại.
Đơn cử như năm 2012, ở Bạc Liêu, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã lấy mẫu thức ăn, chế phẩm sinh học để phân tích, trong đó có gần 50% mẫu không đạt. Tuy nhiên, đối với các huyện, việc thực hiện lấy mẫu phân tích không dễ khi không đủ điều kiện, nhất là về kinh phí.
Nâng cao năng lực kiểm tra
Mặc dù thức ăn là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng của thủy - hải sản nhưng thức ăn thuỷ sản hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật nên không đủ điều kiện để chứng nhận hợp quy theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cùng các văn bản pháp quy chuyên ngành như Nghị định 08/2010/NĐ-CP và Thông tư số 66/2011/TT-BNN.
Trên thực tế, hiện chất lượng thức ăn thủy sản mới chỉ được cấp chứng nhận chất lượng bởi duy nhất Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định trực thuộc Tổng cục Thủy sản. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: Thức ăn thủy sản nhập khẩu đã được kiểm soát khá chặt chẽ từ những năm 2000.
Theo đó, tất cả các loại thức ăn nhập khẩu vào Việt Nam phải có tên trong danh mục được phép lưu hành, nếu là sản phẩm mới phải thông qua khảo nghiệm; nếu chưa có tên trong danh mục phải làm thủ tục đăng ký vào danh mục.
“Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa công tác kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi nói chung, thức ăn thủy sản nói riêng, chúng ta cần tăng cường kiểm tra về chất lượng, kiểm tra các sản phẩm có trong danh mục hay không. Mặt khác, cần kiểm tra, kiểm soát và nâng cao năng lực của các phòng kiểm nghiệm”, ông Điền nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Trác, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, cần có thời gian mới có thể giảm tỷ lệ thức ăn không đạt chất lượng từ 20% như hiện nay xuống mức 0,6 - 9,2% theo quy định hiện hành.
“Theo tôi được biết, chất lượng thức ăn thủy sản được kiểm nghiệm tại các nhà máy đạt tiêu chuẩn nhưng qua các đại lý rồi đến tay người nuôi thủy sản chất lượng đã giảm 20 - 30%”, ông Trác phân tích.
- Zearalenone I – yếu tố quan trọng gây nên sự sụt giảm khả năng sinh sản của heo
- Yếu tố dinh dưỡng trong chăn nuôi heo
- Bệnh thường gặp trong chăn nuôi gà
- EZ NUTRITION WAY không ngừng phát triển và tự đổi mới là một trong những giá trị cốt lõi
- Xuất khẩu tôm năm 2013 có thể đạt 2,8 tỷ USD
- Thị trường chăn nuôi miền Đông Nam bộ: Heo tăng giá, nông dân vẫn “treo chuồng”
- Trứng gà giảm giá sâu, người nuôi lo ứ hàng
- Công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại 2 xã thuộc Tân Phú Đông (Tiền Giang)
- Nông dân làm chuỗi liên kết chăn nuôi
- "Không biết Tết tới, giá heo sẽ ra sao?"