Xuất khẩu cá tra có thể phục hồi?

30/05/2014 10:51:27 SA
(Thủy sản Việt Nam) - Cá tra Việt Nam từng là sản phẩm "vàng" mang lại lợi nhuận đáng kể cho người dân ĐBSCL; nhưng nay đang rơi vào tình thế khó khăn, chưa rõ lối thoát. Năm 2014, liệu các doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội để bứt phá?

 Ít cơ hội, nhiều chông gai

Hiện, cá tra Việt Nam được xuất khẩu đi 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, EU và Mỹ vẫn là hai thị trường lớn, chiếm gần 1/2 sản lượng xuất khẩu. Năm 2011, sản lượng thu hoạch trên 1,19 triệu tấn; giá trị xuất khẩu 1,8 tỷ USD. Năm 2013 xuất khẩu tăng nhẹ so với năm 2012 và đạt 1,8 tỷ USD, tương đương năm 2011.

Tuy nhiên, do phát triển quá nóng đã khiến ngành cá tra mấy năm qua rơi vào vòng luẩn quẩn, khủng hoảng nguyên liệu; việc nuôi trồng và chế biến xuất khẩu vẫn chưa gặp được nhau và thiếu tiếng nói chung.

Hiện, chi phí nuôi ngày càng cao, giá thành cá nguyên liệu 2 năm gần đây 23.000 - 24.000 đồng/kg, nhưng giá bán cho doanh nghiệp đều thấp hơn 500 - 1.000 đồng/kg, trong khi giá xuất khẩu ngày càng giảm (từ hơn 3 USD/kg xuống còn 1,8 - 2,2 USD/kg). Nghịch lý này tồn tại dai dẳng, cả doanh nghiệp lẫn người nuôi đều rơi vào khó khăn, thua lỗ nặng, không ít doanh nghiệp phá sản, người nuôi "treo" ao.

Việc quảng bá thương hiệu và sản phẩm cá tra đến người tiêu dùng trên thế giới và công tác tiếp cận thị trường mới chỉ dừng ở việc tham gia hội chợ quốc tế, gặp gỡ nhà phân phối… Trong khi đó, ở trong nước thì luôn xảy ra việc doanh nghiệp thi nhau ép giá cá nguyên liệu, chào bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng trực tiếp chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh cá tra của Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng, cá tra Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường tuyệt đối, nhưng khâu quan trọng nhất là giá lại chưa chủ động được.

Những tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra có tín hiệu tích cực. Giá trị xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 275 triệu USD, tăng 8,5% so cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, xuất khẩu sang Mỹ đạt 61,787 triệu USD, tăng 30,5%; xuất khẩu sang Brazil đạt 26,225 triệu USD, tăng 47,1%...

Kim ngạch xuất khẩu ca tra Việt Nam 2 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 275 triệu USD - Ảnh: Gia Bảo 

Bên cạnh đó, với đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) về chống bán phá giá cá tra của Bộ Thương mại Mỹ tháng 3 vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng sẽ bứt phá ở thị trường này nhằm tận dụng lợi thế giảm thuế suất. Tuy nhiên, việc liên tiếp đối diện rào cản thuế chống bán phá giá tại Mỹ khiến uy tín và hình ảnh cá tra Việt Nam ngày càng giảm…

Chưa kể nhiều mặt khác còn yếu (như: bao bì nhãn mác sản phẩm xuất khẩu chưa được ghi rõ ràng, phần lớn phải ghi theo yêu cầu của nhà phân phối; cam kết về chất lượng sản phẩm, tỷ lệ mạ băng còn chung chung; yêu cầu thực hiện các tiêu chuẩn ASC, GlobalGAP… trong vùng nuôi chưa đảm bảo ổn định và tăng giá bán ở thị trường có nhu cầu).

Chính sách tín dụng của ngân hàng đã mở, lãi suất đã giảm nhiều, nhưng điều kiện vay vẫn không dễ… Chính vì vậy, việc tiếp cận vốn đầu tư vùng nuôi phục vụ chế biến xuất khẩu vẫn là bài toán khó.

 

Tháo gỡ khó khăn

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, các giải pháp trọng tâm là: Ổn định sản xuất; quy hoạch diện tích, sản lượng; thiết lập cơ chế quản lý, kiểm soát chất lượng, giá cả và các yếu tố kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất. Doanh nghiệp cần tăng cường liên kết với hộ nuôi, giảm đầu tư vùng nuôi theo hướng khoảng 30% doanh nghiệp nuôi, 50% doanh nghiệp liên kết với người nuôi và 20% tự do để có sự cạnh tranh lành mạnh; hợp đồng trả tiền mua cá thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Cải thiện cơ chế cho vay trên cơ sở định giá tài sản, cho vay trên vốn lưu động. Ổn định chất lượng cá fillet xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu ngoài fillet và xây dựng thương hiệu cho cá tra.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang) Nguyễn Văn Đạo, cần phải có những biện pháp cụ thể thì mới sớm "đẩy" con cá tra lên được. Thời gian qua đã có rất nhiều cuộc họp bàn về cá tra nhưng cuối cùng rơi vào quên lãng nên mọi chuyện vẫn "giậm chân tại chỗ". Vấn đề hiện nay là làm thế nào để quản lý tốt về quy hoạch, kiểm soát chặt sản lượng cá, thời vụ thu hoạch, chất lượng chế biến, giá cả xuất khẩu. Từ đó tạo sự liên kết hài hòa giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung ứng thức ăn và ngân hàng.

Nguồn: Ndh.vn 

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Thuận An cho rằng, trong tình hình hiện nay, các nhà quản lý cần tìm hiểu, phát huy thế mạnh của địa phương phân chia chủng loại chế biến, để có liên kết với vùng nuôi. Thức ăn nuôi cá tra hoàn toàn nhập từ nước ngoài; vì vậy Bộ NN&PTNT nên khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng đối với diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây phục vụ chế biến thức ăn cho cá tra (như đậu tương, ngô lai...), góp phần hạn chế nhập khẩu, kéo theo giảm giá thành cá tra.

Liên quan việc thực hiện các chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế và các nước châu Âu, ông Vũ Ngọc, Phó Giám đốc Công ty CP Tô Châu cho rằng, cá tra Việt Nam đang phải chạy theo quá nhiều bộ tiêu chí về chất lượng, trong khi chất lượng cá tra Việt Nam đang rất tốt. Vấn đề đặt ra hiện nay là ngoài việc hướng đến sản xuất bền vững và nuôi sạch hơn, các cơ quan liên quan của Việt Nam cần phải có giải pháp hữu hiệu để tránh bị bôi nhọ và để không bị buộc phải chạy theo các tiêu chí khác do một số nước đặt ra.

>>  Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết: Hai khó khăn mà con cá tra phải đối mặt là thị trường và giá cả. Suốt thời gian dài hàng loạt người nuôi cá tra ở ĐBSCL thua lỗ khiến diện tích bị thu hẹp, sản lượng cá cũng giảm theo. Với tình trạng này, xuất khẩu cá tra năm 2014 dự kiến đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2013.

Vũ Mưa